Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn cuốn hút con người ta bởi nét nguyên sơ và nếp sống dân dã. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên điều đó chính là cảnh sinh hoạt, mua bán nhộn nhịp tại chợ nổi miền Tây. Mời các bạn cùng theo chân Utop để ghé thăm những khu chợ đặc biệt này nhé!
Trải nghiệm chợ nổi miền Tây - nét đẹp bình dị miền sông nước
1. Tổng quan về chợ nổi miền Tây
Văn hóa chợ nổi là sự kết hợp giữa nếp sống của người dân địa phương và môi trường sông nước tự nhiên. Những ghe xuồng lớn nhỏ di chuyển ngược xuôi cùng âm thanh chào hàng rôm rả đã làm nên một khung cảnh nhộn nhịp đầy sức sống. Utop sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về chợ nổi miền Tây qua những thông tin dưới đây.
1.1. Chợ nổi miền Tây có từ khi nào?
Chợ nổi miền Tây ra đời từ tập quán sinh sống cũng như những thứ sản vật phong phú của người dân miệt vườn. Nhiều thương hồ cho biết, họ chẳng nhớ chợ nổi có từ khi nào, chỉ biết rằng từ thời tấm bé đã theo cha mẹ rong ruổi trên sông. Khi lớn lên, họ lại tiếp tục mưu sinh bằng nghề buôn bán hàng hóa, nông sản trên chợ nổi.
Chợ nổi miền Tây có từ khi nào?
Xét theo góc độ nghiên cứu, chợ nổi Cái Bè được ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, chợ nổi Cái Răng có thể được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Chợ nổi ở Cà Mau hay An Giang thì có thể ra đời muộn hơn. Từ xưa đến nay, chợ nổi hoạt động một cách tự phát và không có sự thu thuế, quản lý hành chính một cách chặt chẽ.
1.2. Vai trò của chợ nổi miền Tây
Chợ nổi gắn liền với đặc thù của sông nước miền Tây, đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương của vùng. Chợ buôn bán nhiều mặt hàng và chuyên về nông sản, trái cây. Sự ra đời của chợ nổi đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, đời sống của cư dân thương hồ cũng được cải thiện đáng kể.
Vai trò của chợ nổi miền Tây
Tập quán mua bán trên sông của người dân đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam ta. Đây cũng là một hình thức tiếp thị độc đáo để giới thiệu nhiều loại đặc sản miệt vườn, là điểm trung chuyển hàng hóa để gắn kết thành thị với nông thôn. Dần dần, chợ nổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa được bạn bè du khách gần xa yêu thích khi đến với miền Tây sông nước.
2. Điểm danh 7 khu chợ nổi hot nhất miền Tây
2.1. Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Nổi tiếng bậc nhất miền Tây với độ sầm uất trong mua bán, giao thương phải kể đến chợ nổi Cái Răng. Khu chợ này cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km, nằm trên một nhánh của sông Hậu. Vì là chợ đầu mối nên hàng hóa ở đây rất phong phú và đa dạng. Hoạt động mua bán diễn ra cả ngày.
- Thời gian họp chợ: 3 giờ đến 9 giờ
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
2.2. Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang)
Lớn nhất sau chợ nổi Cái Răng chính là Cái Bè. Chợ nổi Cái bè nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Vai trò chính của chợ là trung chuyển trái cây đi khắp 3 miền và cung cấp đồ gia dụng, vải vóc,... Đến đây, bạn nhớ thử cảm giác ăn sáng ở những ghe hàng rong và ngắm nhìn không khí nhộn nhịp mỗi sáng.
- Thời gian họp chợ: 3 giờ đến 8 giờ
2.3. Chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ)
Đây cũng là một khu chợ nổi được du khách ưa thích, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 17km. Chợ Phong Điền chuyên bày bán các món đặc sản địa phương, cho phép du khách thoải mái thưởng thức và trải nghiệm. Các loại trái cây nổi tiếng ở đây là chôm chôm, xoài, ổi,... Ngoài ra còn có mặt hàng nông sản đa dạng như thơm, sắn, bí,...
- Thời gian họp chợ: 4 giờ đến 8 giờ
Chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ)
2.4. Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)
Ngã Bảy là một trong những khu chợ lâu đời và nức tiếng ở miền Tây. Ngay cái tên cũng phần nào thể hiện vị trí đặc biệt của chợ, đó là nằm tại ngã bảy - nơi có 7 con sông giao nhau. Chợ nổi Ngã Bảy chuyên bán rau củ, đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, các món ăn đặc sản miền Nam. Đặc biệt còn có một số mặt hàng độc lạ như tắc kè, sóc, ba ba,…
2.5. Chợ nổi Long Xuyên (An Giang)
Chợ nổi Long Xuyên vốn không bị tác động bởi thương mại hóa nên cũng không sầm uất như nhiều khu chợ khác. Chợ họp đông nhất vào buổi sáng, chủ yếu bán các loại rau, dưa… và những món ăn nổi tiếng An Giang như bánh da lợn, bánh tằm bì,...
Chợ nổi Long Xuyên (An Giang)
2.6. Chợ nổi Cà Mau (Cà Mau)
Khu chợ này mở bán khá sớm, khoảng từ 2 giờ sáng. Chợ cung cấp đa dạng mặt hàng từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm, các loại nông sản đặc trưng như dừa nước, nhãn, măng cụt,... Ngoài ra, một điểm độc đáo của chợ nổi Cà Mau đó là bán chiếu rong. Đây là một nghề truyền thống được người dân gìn giữ và phát triển từ xưa đến nay.
2.7. Chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long)
Trà Ôn cũng là một khu chợ đầu mối nổi tiếng với rất nhiều loại nông sản như khoai mỡ, cam sành Tân Thanh, sầu riêng Lục Sĩ Thành. Ngoài ra, một món ăn được xem là đặc sản ở đây đó là bún bò viên ăn cùng với rau chuối. Nếu có dịp đến đây, bạn nhớ thưởng thức ngay nhé!
Chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long)
Tổng kết
Chợ nổi là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người miền Tây nói riêng và người Việt ta nói chung. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất xinh đẹp này, các bạn nhất định phải dành thời gian để trực tiếp khám phá những khu chợ đặc biệt này nhé! Đừng quên theo dõi blog và tải ứng dụng Utop để cập nhật thông tin bổ ích, săn được hàng loạt voucher hấp dẫn về ăn uống, mua sắm, giải trí,...