Cách làm bánh cáy thơm ngon, béo ngậy chuẩn vị Thái Bình
Đi dọc dải đất hình chữ S Việt Nam, bạn sẽ nhận ra mỗi vùng đất, mỗi tỉnh đều có những đặc sản riêng không lẫn vào đâu được và mang đậm nét đặc trưng của vùng đất đó. Đặc sản chính là thứ chúng ta luôn muốn tìmtòi , muốn nếm thử để hiểu thêm về vùng đất đó con người ở đó. Hôm nay, mời các bạn theo chân Utop về với quê lúa Thái Bình và tìm hiểu cách làm của món bánh trứ danh: bánh cáy nhé!
1. Lịch sử của chiếc bánh cáy
Theo tương truyền, ngày xưa bánh cáy là một loại bánh tuy đơn giản nhưng vô cùng thơm ngon được các nghệ nhân ngay tại quê làng Thái Bình thực hiện để tiến dâng vua. Nhiều người sẽ lầm tưởng rằng bánh cáy được làm hoàn toàn từ con cáy vì tên trùng nhau. Tuy nhiên bánh cáy được làm từ những nguyên liệu vô cùng quen thuộc và mộc mạc như mỡ lợn, gạo nếp, vừng, lạc,...và một chút trứng cáy. Bánh cáy có đặc điểm nhận dạng vô cùng riêng biệt. Bánh cáy thường có hình chữ nhật màu vàng đồng, ăn vừa giòn mà lại vừa dẻo.
2. Nguyên liệu làm bánh cáy
Mỡ lợn
Trứng cáy (gạch cáy)
Gạo nếp loại ngon
Bột dành dành hoặc dành dành tươi chín
Vừng/mè
Đậu phộng
Gừng tươi
Cà rốt
Vỏ quýt
Gấc
Cơm dừa bào sợi
Tinh dầu bưởi
Đường
3. Sơ chế nguyên liệu
Mỡ lợn: bạn nên chọn mỡ phần gáy hoặc mỡ phần vai tránh chọn mỡ sa để mỡ được thơm ngon hơn. Sau đó bạn sơ chế rửa sạch mỡ lợn với muối, sau đó đem luộc sơ qua để tránh mỡ bị hôi. Tiếp theo ướp mỡ lợn với muối và đường theo tỷ lệ 1 muối: 6 đường và bảo quản trong vòng nửa tháng trước khi tiến hành sử dụng làm bánh cáy.
Gạo nếp: chọn những hạt gạo nếp thơm ngon, căng tròn bóng bẩy và không bị đen, bị ngả vàng. Sau đó nhặt bỏ sạch rác và sạn còn lẫn trong gạo nếp. Vo gạo qua một vài lần nước sau đó ngâm gạo để qua đêm.
Đậu phộng: bạn tiến hành loại bỏ những hạt lép, hư, sượng, không đạt tiêu chuẩn, giữ lại những hạt căng tròn mẩy. Sau đó tiến hành đem rang cho đến khi đậu chuyển màu hơi ngả vàng và dậy mùi thơm. Khi rang bạn phải đảo đậu liên tục tránh để đậu bị cháy khét. Sau khi rang xong, bạn chà xát đậu để loại bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài.
Vỏ quýt: rửa sạch, thái sợi mỏng.
Gấc: tách bỏ hạt, giữ lại phần cơm gấc.
Cà rốt: rửa sạch sẽ, bào vỏ, thái sợi mỏng.
Gừng: rửa sạch, cạo vỏ.
Nếu bạn không sử dụng bột dành dành mà sử dụng dành dành tươi thì bạn rửa sạch quả dành dành sau đó đem đi luộc với nước đến khi dành dành mềm ra thì ép lấy nước màu vàng.
4. Tiến hành làm bánh cáy
Bước 1: Xào mỡ lợn
Phần mỡ lợn đã được ướp muối, đường từ nửa tháng trước sau đó đem thái hạt lựu vừa ăn. Sau đó, chuẩn bị tiếp một cái chảo, làm nóng chảo trên bếp sau đó cho phần mỡ vào xào, cho thêm vào đó một ít đường rồi tiếp tục đảo cho đến khi mỡ trong và giòn thì tắt bếp.
Bước 2: Xào cà rốt với nước đường
Hòa đường với nước cho đến khi đường tan hết. Sau đó ép gừng để lấy nước cốt gừng. Tiếp theo chuẩn bị một chiếc chảo sau đó làm nóng chảo sau đó cho phần cà rốt đã thái sợi vào xào cùng hỗn hợp nước đường, vỏ quýt tươi thái sợi, nước cốt gừng. Đảo đều tay đến khi cà rốt chín thì tắt bếp cho ra đĩa để nguội.
Bước 3: Hấp gạo nếp
Bạn tiến hành chia gạo nếp thành hai phần. Phần thứ nhất bạn đem hấp với phần cơm gấc đã chuẩn bị để thành có xôi gấc. Phần nếp còn lại bạn trộn chung với nước màu dành dành sau đó đem hấp để có màu xôi vàng đẹp mắt. Sau khi xôi chín, bạn cho xôi còn nóng vào cối giã nhỏ thật mịn sau đó để riêng hai phần xôi đã giã nhỏ.
Bước 4: Cán mỏng phần xôi đã giã, đảo cùng mỡ lợn
Bạn tiến hành cán mỏng phần xôi đã giã nhỏ thành từng tấm mỏng sau đó cắt thành từng lát nhỏ và đem đi sấy khô. Sau đó, bạn cho phần mỡ lợn đã xào vào một cái chảo nóng rồi đun cho đến khi mỡ lợn tiết ra dầu thì cho phần bột đã sấy khô vào và liên tục đảo đều tay cho tới khi bánh giòn và có mùi thơm thì tắt bếp.
Bước 5: Định hình cho ra thành phẩm bánh cáy
Cho tất cả các nguyên liệu đã được chuẩn bị như trứng cáy, vừng, lạc, hỗn hợp cà rốt xào đường và phần bánh vừa mới xào vào một cái tô lớn hoặc thau sạch sau đó cho thêm đường vào và trộn đều. Cho hỗn hợp vừa trộn vào một cái chảo nóng và đảo cho tới khi dậy mùi thơm thì cho hết hỗn hợp vào một cái khuôn có trải một lớp vừng đã rang dưới đáy và dùng tay ấn nén cho bánh dàn đều trong khuôn sau đó cắt thành miếng vừa ăn.
Vậy là chúng ta đã có một món bánh cáy ngon tuyệt vời rồi. Những công đoạn nhìn chung khá cầu kỳ nhưng khi làm ra thành quả chắc chắn bạn sẽ vô cùng mãn nguyện đó. Bánh này vô cùng phù hợp để dùng chung với nước trà, nhâm nhi cùng bạn bè, người thân. Chúc bạn thành công với đặc sản quê lúa Thái Bình này nhé! Đừng quên tải ngay ứng dụng Utop về máy để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích khác và nhận hàng ngàn ưu đãi hấp dẫn!