“Chợ nghĩa tình” là dự án tiên phong sử dụng công nghệ thông tin để duy trì cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn thành phố. Hình thức thiện nguyện mới này giúp người dân trong khu cách ly có thể tự đặt nhu yếu phẩm giá 0 đồng; cũng như giúp các cá nhân và hộ kinh doanh có thể đăng ký tham gia thiện nguyện một cách dễ dàng. Utop cũng là một trong 4 đơn vị tổ chức dự án này, gồm: Utop, FUNiX và Sở Công Thương cùng Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh.
Nguyên cớ xuất hiện “Chợ cóc” online
Những dự án vì cộng đồng ngày một được quan tâm & đẩy mạnh. Nhưng trước tình hình phức tạp bởi dịch Covid-19; việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là dân cư khu vực phong tỏa hoặc cách ly tập trung bị ảnh hưởng ít nhiều. Kèm theo đó việc phân phối nông sản, hàng hóa lại bị tác động bởi thực trạng giãn cách xã hội nên trì trệ. Phương án cứu trợ người dân không ngừng được đề xuất, triển khai và “Chợ cóc” online mang tên “Chợ nghĩa tình” cũng bắt nguồn từ đó.
Sự ra đời của dự án “Chợ nghĩa tình” chính thức được bắt đầu khi Chị Nguyễn Thị Thành Thực thuộc FUNiX (FPT), một người con đang ở trong vùng dịch Bắc Giang chia sẻ khó khăn: “Hiện nay tại các vùng bị phong tỏa ở Bắc Giang, công nhân và bà con gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cuộc sống vì mất nguồn thu nhập, không có chợ và không được đi chợ. Nông sản, thực phẩm được làm ra tại các vùng này cũng khó tiêu thụ. Hàng hóa cứu trợ cũng gặp khó khăn trong khâu phân phối. Việc này có thể kéo dài thậm chí hàng tháng”.
Ngay sau đó, Sở Công Thương, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng đơn vị hỗ trợ kỹ thuật vận hành Utop và FUNiX (thuộc FPT) đã nắm bắt thực trạng, tiến hành triển khai gấp rút dự án “Chợ nghĩa tình”; hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Câu chuyện thiện nguyện online chính thức bắt đầu
Hàng hóa bày bán trên “Chợ cóc” online này chủ yếu từ 2 nguồn: Thứ nhất, hàng được cứu trợ từ những người làm thiện nguyện mua sẵn để gửi tặng người dân. Thứ hai, nông sản, thực phẩm của bà con ngay trong địa phương. Hàng cứu trợ sẽ được bày “bán” với giá niêm yết là 0 đồng. Hàng do bà con bán sẽ do chính họ tự "niêm yết" giá theo nguyên tắc giá tối thiểu.
Như vậy, dù là bất kỳ ai trong địa phương muốn gửi tặng hàng hóa cứu trợ hay muốn chia sẻ nhu yếu phẩm đến người dân với giá tốt, đều có thể đăng ký để tham gia online trên trang thương mại điện tử www.chonghiatinh.vn. Việc này không chỉ giúp đỡ người dân cần hỗ trợ, mà những người làm thiện nguyện cũng có thể gửi tặng hàng hóa cho người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện và hạn chế di chuyển trong mùa dịch.
Với “Chợ nghĩa tình” mỗi hộ gia đình được tạo một tài khoản để đăng nhập và mua tối đa 25 đơn vị sản phẩm/ngày. Sản phẩm đã mua sẽ được giao tận nhà vào lúc 17H00 trong ngày; giúp cho người dân có đủ các nhu yếu phẩm sử dụng trong ngày hôm sau. Gói hỗ trợ cho người dân khá lớn, có những đơn hàng mua miễn phí lên đến 700.000 đồng/ngày cho 1 hộ dân.
Hai tuần thí điểm vừa xong, đúng lúc thành phố phát lệnh phong tỏa. “Chợ nghĩa tình” được yêu cầu triển khai tại 22 điểm trên toàn thành phố.
Khó khăn ập đến với những người làm thiện nguyện
Vấn đề về làm thiện nguyện, nghe tưởng dễ nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Khi bắt đầu dự án, vô số những vấn đề được phát sinh như: cách tiếp cận người dân ở khu vực phong tỏa, quy trình vận hành & giao hàng, địa điểm phân phối & nhận hàng hóa thiện nguyện; hay người lao động không phải ai cũng sử dụng được Smartphone… May mắn thay những người “thuyền trưởng” trong “chuyến tàu” thiện nguyện lần này đã lần lượt đưa ra giải pháp phù hợp.
Để tiếp cận được người dân khu vực phong tỏa, giúp họ biết đến “Chợ nghĩa tình” và chủ động đặt nhu yếu phẩm cần thiết, các cơ quan địa phương, cùng Utop & FUNiX đã truyền thông trên báo chí, mạng xã hội hay thậm chí là phát tờ rơi.
Về quy trình vận hành đảm bảo nhanh chóng và kịp thời nhất. Ngay sau khi đơn hàng được xác nhận, đội ngũ tình nguyện viên sẽ đóng gói hàng hóa và giao đến tận tay từng hộ gia đình.
Nếu bà con không sử dụng được smartphone, thì chỉ cần ghi ra giấy các món hàng cần mua, đội tình nguyện viên sẽ hỗ trợ nhập đơn hàng lên hệ thống giúp người dân.
Vấn đề nan giải nhất, làm sao để người mua chỉ “chốt đơn” đúng nhu cầu & tránh “mua” nhiều hơn thực tế? Để “không ai bị bỏ lại phía sau” thì khâu tuyên truyền vận động cũng đặc biệt được chú trọng lúc này.
Xua tan mỏi mệt trước tình cảm của bà con
Ngay cả những người “đầu tàu” tổ chức dự án, đến những tình nguyện viên tham gia chung tay đều vất vả. Đó là chưa kể trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc chủ động đến các khu cách ly trao gửi hàng hóa cho người dân cũng là điều khó khăn và nguy hiểm. Nhưng tất cả đều tan biến khi thấy ánh mắt háo hức kèm những lời cảm ơn không ngớt của bà con khi nhận quà.
Cô Nguyễn Hoài Ân, ngụ Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè, TP.HCM xúc động chia sẻ: “Ở trong khu cách ly mới biết được cảm giác vui mừng của tôi khi nhận được những phần quà này. Giờ theo chỉ đạo Nhà nước thì mình tuân thủ, nhưng việc mua thức ăn hàng ngày thì khó khăn hơn. Rất cảm ơn những phần quà đúng lúc của Chợ nghĩa tình”.
Hay chị Minh Nguyệt, đứng trong khu phong tỏa nhận quà nhưng cũng không quên gửi lời cảm ơn đến những người làm thiện nguyện. Chị Nguyệt chia sẻ: “Không chỉ những người khó khăn mới cần được hỗ trợ, mà cả những người trong khu cách ly như chúng tôi cũng rất cần. Những phần quà này giúp gia đình tôi không còn quá lo lắng về thức ăn trong ít nhất 1 tuần cách ly nữa. Tôi rất cảm ơn tất cả đã vất vả và không ngại nguy hiểm đến khu cách ly gửi tặng nhu yếu phẩm cho mọi người”.
Đại diện quản lý dự án “Chợ nghĩa tình” cho biết, tích lũy kế từ giai đoạn triển khai thí điểm đến nay, dự án đã tiếp nhận, xử lý tổng cộng 2.012 đơn hàng của 1.899 hộ sinh sống tại khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn thành phố (ước tính quy mô phục vụ là 7.589 dân). Trong đó, gồm 20 mặt hàng, 29.754 đơn vị sản phẩm và tổng giá trị hàng hóa ước tính là 559.337.300 đồng (Giá trị bình quân 01 đơn hàng là 278.000 đồng). Những con số này dự kiến sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.
Công nghệ hướng tới cộng đồng thêm phần giá trị lúc này
Được biết, dự án này chỉ có 1 tuần để chuẩn bị sau đó bắt đầu thí điểm tại 2 nơi ở TP. Hồ Chí Minh là Hóc Môn và quận Bình Tân. Ngay khi triển khai rất nhiều vấn đề kỹ thuật và vận hành phát sinh, nhưng Utop - Thành viên Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) đã kịp thời hỗ trợ dự án. Từ việc cung cấp giải pháp công nghệ, hỗ trợ vận hành & triển khai, tập huấn tình nguyện viên thành thạo tác trên web, đến khâu in ấn, truyền thông, quản lý hàng hóa & xử lý đơn hàng…
Đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Utop, CEO ông Phạm Nguyên Vũ cho hay: “Ngay khi biết dự án này, Utop đã không ngần ngại quyết định chung tay cùng Sở Công Thương, Thành đoàn Hồ Chí Minh hợp tác cùng FUNiX, FPT triển khai hỗ trợ người dân. Dù thời gian khá gấp rút, nhưng Utop chúng tôi cũng đã hoàn thành tốt phần việc của mình. Đứng vào vị trí người dân, chúng tôi phát triển website với giao diện thân thiện và mượt mà nhất; nên việc truy cập, đăng nhập & đặt mua hàng rất nhanh chóng, tiện lợi. Tới đây Utop sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai mô hình này rộng khắp các quận huyện của thành phố, thậm chí là các tỉnh lân cận. Đồng thời, Utop chúng tôi cũng sẽ tăng cường các hoạt động thiện nguyện khác, phát triển nền tảng công nghệ hướng tới vì cộng đồng”.
Thế mạnh của dự án “Chợ nghĩa tình” chính là giúp phân phối hàng hóa cứu trợ đến tận tay người dân và đúng nhu cầu của từng hộ gia đình. Đặc biệt, các nhà cung cấp và tiểu thương hay người dân đều có thể đăng ký “làm thiện nguyện” với E–Commerce (tức thiện nguyện thông qua kênh thương mại điện tử www.chonghiatinh.vn). Tất cả số liệu & hoạt động của dự án đều minh bạch, chính xác trên hệ thống và được giám sát thực hiện bởi Sở Công Thương cùng Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh.